Sort by

Vui lòng xác thực Email để đăng nhập

Nhìn lại những thương vụ M&A thất bại tại Việt Nam và bài học cho các bên tham gia

 

một năm trước

 

01:58

Tại Việt Nam, nhiều thương vụ M&A đã và đang diễn ra thành công, đem lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Tuy vậy, cũng không ít thương vụ đã thất bại do không thể lường trước được những thách thức của M&A. Tại đây, hãy cùng INMERGERS nhìn lại những giao dịch M&A không thành công tại Việt Nam để cùng rút ra những bài học quý giá.

1.M&A là gì?

M&A là viết tắt của cụm từ "Mergers and Acquisitions" (Sáp nhập và Mua lại). Đây là thuật ngữ để chỉ các hoạt động sở hữu quyền kiểm soát doanh nghiệp của các công ty và tập đoàn thông qua việc sáp nhập hoặc mua lại một công ty khác trên thị trường. Thông thường, các thương vụ M&A được sử dụng như một chiến lược kinh doanh trong việc mở rộng quy mô, cải thiện hiệu suất và đẩy mạnh tăng trưởng.

<ALT: ma-la-hoat-dong-mua-lai-hoac-sap-nhap-giua-hai-hay-nhieu-doanh-nghiep>

M&A là hoạt động sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp.

Những lợi ích của hoạt động M&A:

- Mở rộng quy mô doanh nghiệp, thâm nhập thị trường mới, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, từ đó chiếm được thị phần lớn hơn.

- Tiết kiệm chi phí kinh doanh bằng cách tận dụng nguồn lực tổng hợp đề nâng cao hiệu suất kinh doanh và vận hành.

- Cải thiện nguồn lực tài chính nhờ doanh thu và lợi nhuận lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tăng cường tính minh bạch về tài chính.

- Tiếp cận và tận dụng công nghệ mới cũng như tài sản trí tuệ từ các công ty khác để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Những thách thức của hoạt động M&A:

- Rủi ro về tài chính khi các thương vụ M&A không đạt kết quả như kỳ vọng, dẫn đến tổn thất tài chính hoặc không thể trả khoản nợ đầu tư.

- Mâu thuẫn trong quản lý dẫn đến những xung đột về lợi ích và quan điểm giữa ban lãnh đạo của các công ty.

- Văn hóa doanh nghiệp không hòa hợp gây ra những bất đồng trong quy trình làm việc và vận hành, làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chung.

- Các thủ tục và quy định pháp lý liên quan đến M&A thường khá phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí.

Có thể thấy mặc dù có những lợi ích lớn, M&A vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tham gia. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần hiểu rõ những kiến thức về M&A cũng như thật cẩn trọng trong quá trình thực hiện các thương vụ M&A.

2.Các thương vụ M&A thất bại tại Việt Nam

Tại Việt Nam, bên cạnh các thương vụ M&A nổi tiếng đã diễn ra thành công, rất nhiều thương vụ đã thất bại và gây ra tổn thất lớn cho các doanh nghiệp. Hãy cùng INMERGERS điểm lại một số thương vụ không thành dưới đây.

a) VinaCapital và Ba Huân:

Sự hợp tác giữa Quỹ đầu tư VinaCapital và Công ty cổ phần Ba Huân là một trong các thương vụ M&A nổi tiếng tại Việt Nam với nhiều lùm xùm diễn ra trong quá trình thực hiện giao dịch. Đây là một trong nhiều sự kiện có mâu thuẫn giữa quỹ đầu tư và công ty tư nhân nhận đầu tư.

<ALT: su-hop-tac-giua-vinacapital-va-ba-huan-tung-vuong-phai-nhieu-lum-xum-dan-den-do-be>

Sự hợp tác giữa VinaCapital và Ba Huân từng vướng phải nhiều lùm xùm dẫn đến đổ bể.

Tháng 2/2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua cổ phần Công ty Ba Huân. Hai bên tiếp tục hợp tác, VOF dự định sẽ đầu tư thêm một khoản vốn bổ sung vào Ba Huân trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, tháng 8/2018, phía Ba Huân đã gửi văn bản lên Thủ tướng với đề nghị chấm dứt thỏa thuận hợp tác với VinaCapital vì cho rằng VOF có ý định chiếm quyền quản lý công ty và thương hiệu Ba Huân. Theo đó, phía Ba Huân nhận thấy bản thỏa thuận tiếng Việt có một số điều khoản không đúng so với bản hợp đồng tiếng Anh đã ký kết và có thể gây bất lợi cho thương hiệu. Trong đó nổi bật là hai nội dung sau:

- VinaCapital tự quy định tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% một năm (gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng).- Nếu không đạt được kết quả kinh doanh, Ba Huân phải trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần công ty.

Mặc dù VinaCapital cho rằng hai bản hợp đồng có nội dung giống nhau và khẳng định không có ý định thâu tóm Ba Huân, phía Ba Huân cho biết VinaCapital đã có hành động trì hoãn, gây khó khăn khi nhận được đề nghị chấm dứt hợp tác.

Cuối cùng, Ba Huân và VinaCapital quyết định dừng hợp tác trong vui vẻ sau một thời gian đàm phán, kết thúc thương vụ sau 6 tháng ngắn ngủi. Kết quả, Ba Huân mất đi cơ hội nhận 32,5 triệu USD và VinaCapital chịu ảnh hưởng tiêu cực về mặt hình ảnh.

b) Aqua One và WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP):

Một thương vụ M&A ở Việt Nam không thành khác là giao dịch giữa công ty Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên) và công ty Thái Lan WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP).

Năm 2020, WHAUP đã tiến hành mua lại 34% cổ phần của Công ty Nước mặt Sông Đuống. Theo hợp đồng, nếu Sông Đuống không xin được giấy chứng nhận đầu tư tăng công suất của dự án thì Aqua One sẽ phải mua lại toàn bộ số cổ phần trên từ công ty Thái Lan. Trong giao dịch này, Aqua One đóng vai trò là bên bảo lãnh cho ông công ty Sông Đuống về nghĩa vụ cung cấp bản đăng ký sửa đổi.

Tuy nhiên, phía Sông Đuống đã không thể thực hiện được điều khoản trên và 3 tháng sau khi nhận được thông báo từ WHAUP, Aqua One vẫn không thực hiện nghĩa vụ mua lại cổ phần như cam kết hợp đồng. Do đó, WHAUP đã kiện Aqua One ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều khoản nâng công suất trong hợp đồng M&A của hai công ty là điều khá khó thực hiện trong điều kiện thị trường Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, việc không lường trước được hậu quả của những điều khoản trong hợp đồng đã khiến Aqua One vướng vào tranh chấp không đáng có, có thể bị thiệt hại tới hàng nghìn tỷ và gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của doanh nghiệp.

c) The KAfe và Cassia Investments:

Việc gọi vốn đầu tư của The KAfe cũng là một thương vụ thất bại đối với cả chủ thương hiệu và quỹ đầu tư.

<ALT: truong-hop-that-bai-cua-the-kafe-la-bai-hoc-dien-hinh-cho-cac-start-up-khi-goi-von>

Trường hợp thất bại của The KAfe là bài học điển hình cho các start-up khi gọi vốn.

The KAfe là chuỗi nhà hàng – quán cà phê đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng start-up. Năm 2015, The KAfe đã thành công huy động được 5 triệu USD từ Quỹ đầu tư Cassia Investments. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên không kéo dài khi CEO của The KAfe bị buộc phải dời công ty chỉ sau một năm nhận vốn do không đáp ứng được các điều kiện trong thỏa thuận đầu tư. Nửa năm sau đó, toàn bộ chuỗi cửa hàng của The KAfe cũng đồng loạt đóng cửa, thương hiệu sụp đổ hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của thương vụ này được cho là do sự bất đồng giữa CEO của The KAfe và nhà đầu tư. CEO của thương hiệu từng thừa nhận đã không cứng rắn và cẩn trọng trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư, khiến cho thương hiệu bị lép vế và mọi quyền hạn của chủ thương hiệu bị hạn chế. Đây chính là hệ quả không đáng có khi thương hiệu chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với các đối tác và không xây dựng được chiến lược tài chính chủ động ngay từ đầu.

3.Nguyên nhân dẫn đến thất bại của các thương vụ M&A

Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự đổ vỡ và thất bại của các doanh nghiệp trong các thương vụ M&A ở Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến những lý do phổ biến sau đây đã khiến cho quá trình thực hiện M&A trở nên khó khăn và không đạt được kết quả mong muốn:

  • Không xác định được mục tiêu và chiến lược M&A: Doanh nghiệp tham gia M&A mà không có mục đích và chiến lược cụ thể trước và sau M&A, dẫn đến việc không đánh giá được hiệu quả và mông lung trong quá trình thực hiện.
  • Việc thẩm định và định giá còn yếu kém: Nhiều thương vụ M&A ở Việt Nam thất bại do các bên không thống nhất được về vấn đề định giá hoặc doanh nghiệp định giá quá cao, không phù hợp với giá trị thực tế.
  • Không cẩn trọng trong đàm phán hợp đồng: Tại Việt Nam, chủ doanh nghiệp thường tự quyết định về các điều khoản trong hợp đồng một cách cảm tính mà không tham khảo từ luật sư chuyên môn, dẫn đến việc phát sinh những rủi ro, sơ xuất trong quá trình M&A mà chủ doanh nghiệp không nhận thức được.
  • Khác biệt về văn hóa doanh nghiệp: Những khác biệt về văn hóa giữa doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp mục tiêu nêu không thể giải quyết có thể làm suy giảm năng lực làm việc chung của đội ngũ lao động.
  • Mâu thuẫn trong quản lý: Khi các nhóm cổ đông lớn cùng ban lãnh đạo cũ và mới không thể tìm được tiếng nói chung trong việc vận hành, nội bộ doanh nghiệp có thể xảy ra những xung đột gay gắt, thậm chí là những “cuộc chiến” tranh chấp quyền lực.

4.Bài học từ các thương vụ M&A thất bại

<ALT: doanh-nghiep-can-chuan-bi-ky-cang-truoc-khi-thuc-hien-cac-thuong-vu-ma>

Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện các thương vụ M&A.

Những thương vụ M&A nổi tiếng tại Việt Nam đã cho thấy thị trường M&A Việt Nam rất có tiềm năng phát triển và đem lại lợi ích lớn cho các bên tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại những giao dịch M&A không thành để tự rút ra những bài học quý báu.

  • Xác định chiến lược M&A rõ ràng: Khi tham gia M&A, doanh nghiệp cần có một kế hoạch cụ thể để xác định phương hướng phù hợp trong việc kinh doanh và đạt được lợi ích dự kiến. Đồng thời, việc có một chiến lược rõ ràng cũng giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị và thu hút nhà đầu tư hơn.
  • Tìm hiểu kỹ về đối tác: Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ càng về đối tác để có đánh giá khách quan và xác thực nhất về sự phù hợp và khả thi khi thực hiện M&A. Điều này cũng giúp các bên xác định đúng giá trị của doanh nghiệp mục tiêu, đồng thời đảm bảo sự hòa hợp về văn hóa, định hướng… để tránh những xung đột sau này.
  • Cẩn trọng trong đàm phán hợp đồng: Nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến hợp đồng, các doanh nghiệp nên thuê các nhà tư vấn tài chính và pháp lý chuyên nghiệp, am hiểu luật pháp Việt Nam cũng như quốc tế để soạn thảo một hợp đồng chặt chẽ và hạn chế được những điều khoản bất lợi.
  • Tối ưu quá trình hợp nhất sau M&A: Sau khi hoàn tất giao dịch M&A, các bên cần có kế hoạch quản lý chặt chẽ và thực hiện sát sao để đảm bảo việc kết hợp hiệu quả giữa các hệ thống, quy trình và văn hóa doanh nghiệp.

Kết luận

Trên đây, INMERGERS đã điểm lại một số thương vụ M&A không thành công ở Việt Nam. Để đạt được kết quả tốt đẹp, sự nghiên cứu cẩn trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng và định hướng rõ ràng trước khi bắt đầu là rất quan trọng đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt, việc tham khảo tư vấn từ những đơn vị tài chính và pháp lý có chuyên môn sẽ là sự trợ giúp đắc lực cho các bên khi tham gia M&A.

Tham gia MMatch - sàn mua bán doanh nghiệp của INMERGERS để kết nối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời nhận tư vấn đầy đủ về mặt pháp lý để tối đa hóa lợi nhuận từ khoản đầu tư của bạn.

Bài viết liên quan:

Chia sẻ