Thủ tục mua lại công ty cổ phần cập nhật mới nhất 2023
một năm trước
15:29
Thủ tục mua lại công ty cổ phần hay còn gọi là thay đổi cổ đông thông qua thủ tục mua lại cổ phần của công ty. Sau đây là các bước tiến hành thủ tục mua lại công ty cổ phần.
Để có thể thành công tiến hành mua lại công ty cổ phần, hiểu rõ và nắm chắc về các thủ tục là yếu tố không thể thiếu. Cùng INMERGERS tìm hiểu về các thủ tục mua lại công ty cổ phần cũng như các phương thức tiến hành thủ tục mua lại cổ phần công ty.
1.Thủ tục mua lại công ty cổ phần
Thủ tục mua lại công ty cổ phần hay còn gọi là thay đổi cổ đông thông qua thủ tục mua lại cổ phần của công ty. Sau đây là các bước tiến hành thủ tục mua lại công ty cổ phần:
Bước 1: Kiểm tra thông tin công ty
Tổ chức, cá nhân mua lại công ty cổ phần trước khi mua cần kiểm tra thông tin của công ty, cụ thể:
- Thông tin về tình trạng hoạt động của công ty;
- Tình trạng sử dụng người lao động, bảo hiểm của người lao động;
- Thông tin về thuế: Kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn, hóa đơn đầu vào, đầu ra, doanh thu công ty trong quá trình hoạt động , báo cáo tài chính và các chứng từ kế toán khác…;
- Nghĩa vụ thuế của công ty: Kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ thuế, báo cáo thuế, các khoản nợ thuế (nếu có), tình hình quyết toán thuế của công ty.
Bước 2: Chuyển nhượng cổ phần
Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện qua hai phương thức:
- Bằng hợp đồng chuyển nhượng giữa cá nhân, tổ chức chuyển nhượng và cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng.
- Bằng giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần cần lưu ý về nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần:
- Đối với cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân với cách tính thuế như sau: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%
- Đối với tổ chức là pháp nhân khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần sẽ được tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp và doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai vào tờ khai tạm tính theo quý và quyết toán theo năm.
Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần
- Hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
- Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua. Trong trường hợp này, cổ đông sẽ không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần chưa thanh toán đó cho người khác.
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết. Trong trường hợp này, cổ đông không được quyền chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
- Quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông bị hạn chế theo quy định trong Điều lệ công ty. Trong trường hợp này, quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Thủ tục mua lại công ty cổ phần
Bước 3: Thực hiện thủ tục chuyển nhượng, kê khai thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP hiện nay cơ quan đăng ký kinh doanh không quản lý việc thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần nên doanh nghiệp không phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp chỉ thực hiện chuyển nhượng cổ phần trong nội bộ công ty và thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cung cấp thông tin:
- Danh sách cổ đông của công ty;
- Thông tin tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phần;
- Thông tin cơ cấu cổ phần của các cổ đông sau khi nhận chuyển nhượng.
Soạn thảo hồ sơ:
- Hồ sơ chuyển nhượng bao gồm: Hợp đồng chuyển nhượng; Biên bản thanh lý; Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông; Quyết định của Đại hội đồng cổ đông;. Danh sách cổ đông; Sổ đăng ký cổ đông; Điều lệ công ty.
- Hồ sơ khai thuế gồm: Hợp đồng chuyển nhượng; Biên bản thanh lý; Tờ khai thuế thu nhập cá nhân; Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ khai thuế (Trường hợp chủ sở hữu ủy quyền cho công ty đi nộp hồ sơ; Giấy giới thiệu.)
- Hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh
Trường hợp chuyển nhượng cổ phần đồng thời thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty. Doanh nghiệp phải thông báo thay đổi nội dung này với cơ quan đăng ký kinh doanh để cấp lại Đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ thay đổi gồm: Quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông; Biên bản họp Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật; Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh; Văn bản pháp lý liên quan khác.
- Nộp hồ sơ và lệ phí công bố thông tin doanh nghiệp:
Hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh sẽ nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thay đổi đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp nộp lệ phí công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật: 100.000 đồng/ lần. Hồ sơ kê khai thuế sẽ nộp tại Chi cục Thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Cá nhân chuyển nhượng nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Bước 4: Hoàn thành thủ tục
Có kết quả trong thời gian 05-08 ngày làm việc đối với thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, 10-15 ngày làm việc đối với thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân.
2. Hai phương thức công ty mua lại cổ phần của cổ đông
2.1.Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
Cổ đông chỉ có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình trong trường hợp cổ đông đó đã biểu quyết phản đối nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty.
Việc công ty mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông phải được thể hiện bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề nêu trên.
Xem thêm: Quyền ưu tiên mua cổ phần
Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
a.Văn bản yêu cầu công ty mua lại cổ phần
Văn bản yêu cầu công ty mua lại cổ phần của cổ đông phải nêu rõ các vấn đề sau:
- Tên, địa chỉ của cổ đông;
- Số lượng cổ phần từng loại;
- Giá dự định bán;
- Lý do yêu cầu công ty mua lại.
Công ty có trách nhiệm mua lại cổ phần của cổ đông này trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
b.Giá mua cổ phần:
Giá mua cổ phần được xác định theo giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được về giá thì có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và đi đến quyết định cuối cùng.
c.Thanh toán:
Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Nếu không, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận. Trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.
d.Thủ tục sau khi hoàn tất mua lại số cổ phần theo yêu cầu của cổ đông:
Bước 1: Làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ với Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác. Số vốn điều lệ điều chỉnh giảm sẽ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại.
Bước 2: Tiêu hủy số cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần của cổ đông ngay sau khi hoàn thành việc thanh toán. Trường hợp có thiệt hại phát sinh cho công ty do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy số cổ phiếu này thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm.
Bước 3: Nếu sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại mà tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10%, công ty cần thông báo cho tất cả các chủ nợ của công ty biết. Việc thông báo này phải thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại.
2.2.Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty
Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty là việc công ty mua lại cổ phần của chính công ty mình từ các cổ đông trong công ty.
Hội đồng quản trị có quyền ra quyết định mua lại nhưng không quá 10% tổng từng loại cổ phần đã được chào bán trong thời hạn 12 tháng. Đối với những trường hợp khác thì Đại hội đồng cổ đông ra quyết định.
a.Giá mua lại cổ phần:
Giá mua lại do Hội đồng quản trị quyết định:
- Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại trừ trường hợp công ty mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty.
- Đối với loại cổ phần khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác.
Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty
b.Thủ tục công ty mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty:
Bước 1: Hội đồng quản trị thông báo bằng văn bản về việc mua lại cổ phần theo quyết định của công ty cho các cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua.
Thông báo phải có:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại;
- Giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại;
- Thủ tục và thời hạn thanh toán;
- Thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của cổ đông cho công ty.
- Thông báo về việc mua lại cổ phần của công ty phải được gửi bằng phương thức bảo đảm.
Bước 2: Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần của mình thì phải gửi chào bán cổ phần bằng phương thức bảo đảm đến công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định mua lại cổ phần.
Bước 3: Công ty thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại:
Phần thanh toán tương tự mục c. ở mục 2.1
Sau khi thanh toán, công ty phải tiêu hủy ngay cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại.Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu gây ra đối với công ty.
Bước 4: Làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
Bước 5: Thông báo cho tất cả các chủ nợ của công ty biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại trong trường hợp sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại, tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10%.
3.Một số lưu ý khi tiến hành mua lại công ty cổ phần
- Để tránh rủi ro khi mua lại công ty cổ phần, tổ chức, cá nhân mua lại nên yêu cầu công ty thực hiện thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế quản lý.
- Thời hạn nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân là 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng.
- Tổng số cổ phần được mua lại theo quyết định của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông không được quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.
Kết luận:
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, INMERGERS - nền tảng tiên phong kết nối đầu tư quốc tế ra đời nhằm giúp nhà đầu tư tự động kết nối các giao dịch M&A mua lại và sáp nhập doanh nghiệp, nhượng quyền thương mại và quyền phân phối, đại lý.
Tham gia ngay sàn mua bán doanh nghiệp m&a MMatch để được hỗ trợ về mặt pháp lý, đồng thời kết nối với các SMEs, cùng nhau phát triển kinh doanh, mang lại những thương vụ M&A thành công!
Bài viết liên quan
- Những điều cần biết về định giá doanh nghiệp
- Những rủi ro trong quá trình mua bán doanh nghiệp