Những điều cần biết về định giá doanh nghiệp
một năm trước
14:01
Định giá doanh nghiệp luôn là một bước quan trọng cần tiến hành trước khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán và sáp nhập (M&A)
Trong nền kinh tế thị trường, định giá doanh nghiệp luôn là mối quan tâm lớn của các pháp nhân và thể nhân có lợi ích liên quan, gắn bó trực tiếp đến các doanh nghiệp được đánh giá. Vì vậy nhu cầu xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán - sáp nhập (M&A).
1. Định giá doanh nghiệp là gì và tại sao cần định giá doanh nghiệp?
1.1. Khái niệm định giá doanh nghiệp
Nhắc đến những khái niệm cơ bản trong đầu tư, không thể không nhắc tới khái niệm “giá trị doanh nghiệp”. Giá trị doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là giá trị vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp; mà là giá trị của tất cả các tài sản sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Giá trị mà một doanh nghiệp có thể đem lại cho các nhà đầu tư được xem xét trên 2 giá trị:
- Giá trị thanh lý là tất cả số tiền có được khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh; bán tất cả các tài sản của nó.
- Giá trị hoạt động liên tục là giá trị hiện tại của dòng tiền tạo ra trong tương lai. Bắt đầu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông qua lượng thông tin trên, ta có thể hiểu được đơn giản rằng:
“Định giá doanh nghiệp chính là việc xác định giá trị doanh nghiệp”
Định giá doanh nghiệp là bước tiên quyết trước khi tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh hay mua bán sáp nhập
1.2. Tầm quan trọng của định giá doanh nghiệp
Thông thường, khi chủ sở hữu quyết định ngừng kinh doanh; bán doanh nghiệp thì tại thời điểm đó nó mới được định giá. Nhưng mỗi doanh nghiệp lại cần phải có một giá trị hiển thị nhất định ở mỗi lần định giá. Ít nhất mỗi năm một lần, các doanh nghiệp sẽ được định giá. Lý do là:
- Định giá doanh nghiệp có thể giúp chủ doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh hơn khi có những chuyện bất ngờ xảy ra. Cũng giúp chủ doanh nghiệp chủ động hơn về giá cả, giữ được lợi ích khi muốn bán doanh nghiệp.
- Việc nắm giữ giá trị cập nhật theo thời gian cho phép tận dụng cơ hội bán; hoặc sáp nhập doanh nghiệp mới một cách nhanh chóng.
- Có lợi thế khi quyết định mời thêm cổ đông hoặc có kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp.
- Tạo uy tín cho doanh nghiệp, giúp ngân hàng quyết định cho doanh nghiệp vay tiền hay không.
- Dễ dàng tạo niềm tin khi muốn tìm nhà đầu tư, khách hàng.
Xem thêm: Những rủi ro trong quá trình mua bán doanh nghiệp
2. Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp
Tiêu chuẩn xác định giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Tiêu chuẩn giá trị doanh nghiệp được xác định trên tiêu chuẩn mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá (nếu phù hợp với mục đích thẩm định giá) và quy định của pháp luật có liên quan.
Căn cứ vào triển vọng thực tế của doanh nghiệp, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích thẩm định giá và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá. Thông thường giá trị của doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục. Trong trường hợp thẩm định viên nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.
Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với tiêu chuẩn giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.
Tiêu chuẩn xác định giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường
3. Các phương pháp định giá doanh nghiệp ở Việt Nam
3.1. Phương pháp định giá doanh nghiệp theo tỷ số bình quân
Phương pháp tỷ số bình quân ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp và cần thẩm định giá thông qua tỷ số thị trường trung bình của các doanh nghiệp đem ra so sánh.
Các doanh nghiệp so sánh là những doanh nghiệp thỏa mãn được các điều kiện cụ thể như sau:
- Có sự tương đồng, tương tự với các doanh nghiệp đang cần thẩm định giá trong một số yếu tố như ngành nghề kinh doanh chính, rủi ro tài chính, rủi ro kinh doanh hay các chỉ số về tài chính công khai.
- Có các thông tin về cổ phần được giao dịch thành công trên thị trường tại thời điểm cần thẩm định giá. Có thể là các thông tin cổ phần được giao dịch thành công gần với thời gian thẩm định giá nhưng không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định.
Ở phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp này, các tỷ số thị trường xem xét trong công thức định giá doanh nghiệp bao gồm: tỷ số giá trên thu nhập bình quân, tỷ số giá trên giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu bình quân, tỷ số giá trên doanh thu bình quân, tỷ số giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao bình quân….
Ngoài ra, để thực hiện phương pháp định giá doanh nghiệp theo tỷ số bình quân cần ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh, ưu tiên các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
3.2. Định giá doanh nghiệp theo giá giao dịch
Phương pháp định giá doanh nghiệp theo giá giao dịch là phương pháp thẩm định cần thông qua giá giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường của doanh nghiệp đang cần thực hiện thẩm định giá.
Doanh nghiệp có ít nhất 03 giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường có thể áp dụng cách định giá doanh nghiệp này. Ngoài ra, thời điểm giao dịch diễn ra không quá 01 năm so với thời điểm thẩm định giá của doanh nghiệp.
Về nguyên tắc áp dụng cách định giá doanh nghiệp theo giá giao dịch, thẩm định viên cần đánh giá và xem xét việc điều chỉnh giá giao dịch thành công cho phù hợp đối với thời điểm cần được thẩm định giá nếu cần thiết.
4 phương pháp định giá doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay bao gồm định giá theo tỉ số bình quân, theo giao dịch, theo tài sản và theo chiết khấu
3.3. Phương pháp định giá doanh nghiệp theo tài sản
Đây là phương pháp định giá doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tính tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.
Nguyên tắc thực hiện của cách định giá doanh nghiệp này như sau:
- Tài sản được thực hiện xem xét trong quá trình thẩm định bao gồm tất cả các tài sản của doanh nghiệp kể cả tài sản hoạt động và tài sản phi hoạt động.
- Khi định giá doanh nghiệp theo cơ sở giá trị tài sản, các tài sản được định giá ở thời điểm được định giá, tài sản trong sổ sách kế toán được thẩm định đúng với giá trị trường.
- Các khoản tài sản vô hình không thỏa mãn điều kiện ghi nhận trên sổ sách kế toán cần thực hiện phương pháp định giá sao cho phù hợp.
- Tài sản hạch toán bằng ngoại tệ thì cần được ứng dụng theo hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán Việt Nam.
3.4. Phương pháp định giá doanh nghiệp theo chiết khấu
- Phương pháp định giá theo chiết khấu dòng tiền
Cách định giá doanh nghiệp này là phương pháp thẩm định cần thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp với giá trị hiện tại của tài sản phi hoạt động ở thời điểm thẩm định.
Doanh nghiệp là công ty cổ phần, phương pháp định giá doanh nghiệp theo chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp được sử dụng với giá định rằng các cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp được định giá như các loại cổ phần thường.
- Phương pháp định giá theo chiết khấu dòng cổ tức
Phương pháp này đối với các doanh nghiệp là công ty cổ phần thì sẽ được sử dụng với giả định coi như các cổ phần ưu đãi tương đương với cổ phần thường. Cách định giá doanh nghiệp này cần thực hiện qua nhiều bước và nhiều trường hợp cụ thể khác nhau, tùy vào tình trạng của doanh nghiệp cũng như loại hình công ty mà có những cách định giá doanh nghiệp khác nhau.
- Phương pháp định giá theo chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
Đây là cách định giá doanh nghiệp thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần thẩm định là công ty cổ phần, phương pháp định giá này sẽ coi các cổ phần ưu đãi tương đương với cổ phần thường.
Kết luận
Hi vọng bài viết trên của INMERGERS đã giúp cho các bạn hiểu rõ được khái niệm, tầm quan trọng của định giá doanh nghiệp và cách định giá 1 doanh nghiệp. Hãy tham gia MMatch - sàn mua bán doanh nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và nhận tư vấn đầy đủ về mặt pháp lý.
Xem thêm: